Giá thép tăng hơn 200%, khi nào ‘bong bóng’ sẽ vỡ?
Không có dấu hiệu nào cho thấy đà tăng của giá thép sẽ sớm “hạ nhiệt”.
Giá của tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ và cả những chiếc ôtô mới đều đang tăng mạnh do các nhà sản xuất phải chịu cảnh thiếu hụt nguồn cung thép trầm trọng.
Kể từ tháng 3/2020, giá thép đã tăng 215%. Giá thép cuộn cán nóng lên cao nhất mọi thời đại trong tuần trước, đạt 1.825 USD/tấn. Trước đại dịch, giá vật liệu này chỉ rơi vào khoảng 500 – 800 USD/tấn.
Vậy điều gì đang xảy ra? Năm 2020, trong những tháng phong tỏa đầu tiên vì đại dịch Covid-19, nhiều nhà máy sản xuất thép đóng cửa vì lo sợ thế giới sẽ rơi vào một cuộc suy thoái sâu. Tuy nhiên, với quặng sắt, sự sụt giảm trong nhu cầu không kéo dài lâu. Ở thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19, những người dân Mỹ bị mắc kẹt ở nhà đổ xô “tân trang” lại chỗ ở, khiến nhu cầu mua các sản phẩm làm từ thép như lò nướng hay tủ lạnh tăng vọt. Điều này khiến các nhà máy thép trở tay không kịp.
“Tương tự như với gỗ xẻ, nhu cầu thép trong thời kỳ đại dịch Covid-19 lớn hơn dự đoán ban đầu do những thay đổi trong thói quen tiêu dùng. Thay vì chi tiền để đi trải nghiệm và nghỉ dưỡng, người dân lại mua máy cắt cỏ, ôtô mới hoặc các loại hàng hóa thâm dụng thép như đồ gia dụng, Thorsten Schier, chuyên gia về thị trường kim loại ở Fastmarkets, nói với Fortune.
Tới khi Mỹ dần tái mở cửa hoàn toàn, xu hướng tu sửa nhà cửa bắt đầu chậm lại, khiến thị trường gỗ xẻ rơi vào trạng thái điều chỉnh: đạt đỉnh ở 1.515 USD mỗi 1.000 bf (hơn 2,3 m3) vào ngày 28/5, tương đương mức tăng 300% so với trước đại dịch, nhưng sau đó giá giảm 49% xuống 770 USD tính đến cuối tuần trước.
Vậy tại sao giá thép lại không rơi vào điều chỉnh như gỗ xẻ?
Không giống như các sản phẩm từ gỗ, thép ít phụ thuộc vào hoạt động xây nhà mới nhưng nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào thép như dầu khí lại đang chứng kiến nhu cầu thép tăng mạnh khi nền kinh tế tái mở cửa. Các nhà sản xuất và lọc dầu cần nhiều thép hơn trong những tháng tới khi người Mỹ xuống đường nhiều hơn và đi du lịch trở lại bằng đường hàng không.
“Tôi nghĩ giá thép vẫn chưa chạm đỉnh. Phần lớn thị trường dự đoán giá thép sẽ duy trì ở mức cao cho tới hết quý III, còn một số người dự đoán bên mua sẽ tiếp tục mua cho tới năm 2022. Vấn đề là nguồn cung eo hẹp, còn mọi người thì tranh nhau mua”, ông nói.
Một yếu tố khác là làn sóng hợp nhất. Hai thương vụ mua lại quy mô lớn trong năm ngoái giữa Cleveland-Cliffs và AK Steel (trị giá 1,1 tỷ USD) và giữa ArcelorMittal và một số nhà máy thép (trị giá 1,4 tỷ USD) về cơ bản đã khiến ngành công nghiệp này trở nên độc quyền hơn. Ông Schier cho biết sự độc quyền của Cleveland-Cliffs và Tập đoàn Thép Mỹ khiến họ không có nhiều động lực để tăng sản lượng vì tạo ra nhiều nguồn cung hơn đồng nghĩa giá sẽ giảm.
Ngoài ra, vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang ảnh hưởng đến thị trường thép. Tình trạng thiếu chip đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ôtô mới. Một khi giải quyết được vấn đề này, ngành ôtô dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ trở lại. Số lượng xe mới lăn bánh tăng lên, đồng nghĩa nhu cầu thép sẽ lên cao hơn.
Vì vậy, theo ông Schier, về ngắn hạn, không có dấu hiệu nào cho thấy đà tăng của giá thép sẽ sớm “hạ nhiệt”.
Nguồn: https://cafef.vn